Các trường học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã đưa việc dạy nội dung giáo dục địa phương gắn liền với di tích lịch sử văn hóa rất hiệu quả, bổ ích nhằm giúp học sinh quận Hai Bà Trưng hiểu thêm về truyền thống lịch sử yêu nước, cách mạng của địa phương. Từ đó học sinh tích cực phấn đấu, rèn luyện, phát huy truyền thống anh hùng xây dựng quận ngày càng văn minh, hiện đại.
Ban giám hiệu các Nhà trường đã triển khai đến 100% giáo viên thực hiện nghiêm túc, có chất lượng và hiệu quả việc giảng dạy giáo dục lịch sử địa phương thông qua Tập bài giảng Lịch sử truyền thống cách mạng quận Hai Bà Trưng cho học sinh Tiểu học, đảm bảo không làm quá tải chương trình, phù hợp với độ tuổi học sinh Tiểu học và đảm bảo đúng thời gian quy định.
Thực hiện các văn bản hướng dẫn về việc dạy học giáo dục lịch sử địa phương, Ban giám hiệu các nhà trường đã tổ chức triển khai tới các tổ, khối chuyên môn để rà soát nội dung giảng dạy trong các phân môn Đạo đức, Lịch sử, Địa lý, TNXH, HĐTN (lớp 1, 2, 3 - chương trình giáo dục phổ thông 2018) … và Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, đặc biệt ở các tiết Lịch sử địa phương trong phân phối chương trình để lựa chọn các nội dung giảng dạy về Lịch sử truyền thống Cách mạng quận Hai Bà Trưng cho phù hợp với độ tuổi của học sinh khối mình. Thực hiện có hiệu quả nhất việc giảng dạy nội dung giáo dục lịch sử truyền thống địa phương phải kể đến các trường Tiểu học Trưng Trắc, Lê Văn Tám, Lê Ngọc Hân...
Trong quá trình thực hiện, giáo viên không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạỵ; luôn tạo điều kiện để học sinh phát huy tối đa khả năng chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập; tham gia các hoạt động một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và hiệu quả.
Về hình thức, việc giảng dạy đã được giáo viên vận dụng sáng tạo trong các tiết dạy cũng như trong các buổi tuyên truyền vào giờ chào cờ thứ hai hàng tuần, các tiết dạy giáo dục ngoài giờ lên lớp, dạy lồng ghép các tiết đã xây dựng trong kế hoạch dạy học và các tiết ngoại khóa (tham quan nơi có di tích lịch sử, xem trên băng hình, nghe nhân chứng lịch sử nói chuyện, tổ chức thi tìm hiểu, hỏi đáp, …). Qua đó góp phần giáo dục đạo đức, lối sống văn minh, thanh lịch cho giáo viên và học sinh trong các nhà trường.
![Nhấn vào ảnh để phóng to](https://848671ec5d.vws.vegacdn.vn/UploadImages/thtrungtrac/2023_3/giang_day_1_73202314.jpg?w=1130)
Học sinh Trường Tiểu học Trưng Trắc tham quan Đền thờ Hai Bà Trưng
Khi lựa chọn các nội dung giảng dạy, giáo viên chú ý đi sâu vào sự kiện, những nội dung lịch sử đã biên soạn trong tập bài giảng nhưng phải gắn với bối cảnh lịch sử chung của đất nước để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và có giá trị giáo dục truyền thống, khích lệ tuổi trẻ.
Tùy theo nội dung, đặc điểm và khả năng thực hiện việc tích hợp giáo dục truyền thống lịch sử quận Hai Bà Trưng trong mỗi môn học để lựa chọn mức độ tích hợp cho phù hợp.
Một dân tộc phát triển là một dân tộc biết gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử. Đúng như chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Câu nói đó của Người cho thấy, việc học và dạy lịch sử không chỉ để cho mọi người dân Việt Nam nhận biết rõ cội nguồn của mình, mà còn để bồi bổ, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự tôn, tự hào dân tộc. Muốn làm được điều đó thì công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ là rất cần thiết. Đây cũng là hoạt động góp phần giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, từ đó đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa trong mỗi trường học và trong mỗi học sinh.